Tin chuyên ngành
DN lại "đau đầu với phí vận chuyển" Ngày cập nhât: 18/04/2014

DN lại “đau đầu” với phí vận chuyển

(HQ Online)- Trong lúc vẫn phải đương đầu với những tác động của sức mua thấp, lãi suất khó vay, thủ tục hành chính rườm rà, từ 1-4, các DN, đặc biệt là DN XNK lại gặp thêm khó khăn mới khi cước vận tải đường biển và phí vận tải đường bộ đồng loạt tăng.

Vận tải
Quy định “siết tải trọng xe” là đúng tuy nhiên nó đang tác động đến nhiều DN. Ảnh: S.T

Doanh nghiệp “tiến thoái lưỡng nan”

Những ngày qua lãnh đạo Công ty Chăn nuôi Chế biến và XNK APROCIMEX  như ngồi trên đống lửa do hàng loạt các nhà xe vận chuyển hàng cho DN “ngưng” mọi hoạt động. Mặc dù đã “chạy đôn chạy đáo” tìm các nhà vận chuyển khác để thay thế, song mức chi phí giá “đội” lên nhiều lần đã khiến APROCIMEX không chỉ đứng trước nguy cơ ách tắc hàng, không đảm bảo thời gian giao hàng cho các đối tác được đúng hẹn mà còn bị thua lỗ nặng.

Ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty APROCIMEX cho biết: Do nhiều nhà xe vận tải tạm ngưng hoạt động để “nghe ngóng” động thái kiểm tra, kiểm soát xe quá khổ, quá tải của các lực lượng chức năng nên chi phí vận chuyển nội địa tăng rất lớn, gấp đôi thậm chí gấp ba. Điều này khiến việc vận chuyển, đảm bảo lưu thông hàng hoá của DN sản xuất, XK gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là với những xe container hàng lớn vận chuyển ra cảng để đưa đi XK, rất khó tìm kiếm các nhà vận chuyển có giá phù hợp trong thời điểm này.

Ông Đoàn Trọng Lý tính toán: Với một xe hàng bột mỳ được đưa từ nhà máy tại Gia Lai lên cảng ở Quy Nhơn, giá cước tăng thêm từ 350.000 – 400.000 đồng. Mức tăng lên đến 200% so với trước đã khiến cho giá thành đầu vào tăng thêm từ 3 – 5%. Như vậy, DN rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, hoặc phải chịu lỗ, hoặc phải bỏ đơn hàng, phá vỡ hợp đồng thì sẽ bị phạt. Hiện có đến 50 – 70% lượng hàng của Công ty APROCIMEX đang bị ứ đọng và chưa tìm được “cửa ra” với chi phí phù hợp.

Công ty Cổ phần Thuý Đạt, DN chuyên sản xuất, XK hàng dệt may, nông sản cũng gặp tình cảnh tương tự. Với chi phí giá vận chuyển tăng trung bình ở mức từ 30 – 50%, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc công ty tính toán chi phí giá thành sẽ đội thêm khoảng từ 1,8 - 2%. Theo các DN, mặc dù mức tăng này không quá lớn song với áp lực chi phí đầu vào đang ngày càng tăng cao ở nhiều khâu, DN phải nỗ lực tiết giảm chi phí không cần thiết, nên mức tăng trên của chi phí vận tải cũng khiến cho hàng hoá XK của Việt Nam giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

“Siết là cần thiết”!

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết: Quyết định “siết tải trọng xe” của Bộ Giao thông vận tải đã tác động trực tiếp tới hoạt động của hầu hết DN trong ngành cà phê. Bằng chứng là giờ đây DN muốn thuê xe chở hàng khó khăn hơn rất nhiều. Đồng thời, chi phí vận chuyển cũng tăng gấp mấy lần so với trước. Một số ngành hàng khác như gạo, thủy sản, DN có thể lựa chọn chuyển sang vận tải đường thủy thông qua tàu, xà lan… nhưng cà phê thì chủ yếu vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ nên chưa biết tính sao cho hợp lý. Chi phí đầu vào tăng lên, DN lại không thể tăng giá bán ngay lập tức. Do đó, DN đang ở thế “bó tay” chịu trận, chấp nhận thua thiệt mà chưa có giải pháp nào ứng phó. Theo ông Nam Hải, việc “siết tải trọng xe” là chủ trương đúng, DN cũng đã được thông báo nhưng DN chưa có sự tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng cho phù hợp với tình hình mới.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Châu khuyến nghị: Hiện chi phí hàng XK của Việt Nam đã cao hơn so với nhiều đối thủ khác từ 10 – 15%, nên nếu chi phí vận chuyển mà tăng thêm chỉ 1 – 2% cũng đủ làm cho DN khó giữ được mức lợi nhuận ổn định nếu như không tăng giá bán tương ứng. Tuy nhiên, việc đàm phán tăng giá trong điều kiện hiện nay rất khó khăn bởi sức ép cạnh tranh ngày càng lớn nên DN đều phải cố giữ mức giá phù hợp. Do đó, việc kiểm tra xe quá khổ, quá tải mặc dù là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông và vận chuyển hàng hoá, song cần có cơ chế phù hợp, tránh để các DN vận tải tăng giá sốc, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá do khâu vận chuyển.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) lại cho rằng: Từ trước tới nay, tải trọng xe vốn không được kiểm soát chặt nên nhiều DN đã được hưởng lợi từ việc chở quá tải trọng. Cho nên, giờ siết lại là cần thiết, đương nhiên và DN phải chấp nhận. Thực tế, siết tải trọng xe chỉ đang đưa chi phí đầu vào về đúng với giá trị thực. Trong vấn đề này, DN cũng không hề bị động bởi luật đã nêu ra từ trước, triển khai đồng bộ trên toàn quốc chứ không cục bộ tại bất kỳ địa phương nào. Điều mà DN cần là vận động theo cơ chế thị trường, tự cân đối cho phù hợp nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ không phải hễ động vào bất kỳ vấn đề gì cũng chỉ biết kêu ca, than thở.  

Uyển Như-Linh Sơn
Theo haiquan.vn