Tin chuyên ngành
Doanh nghiệp thực phẩm kêu khổ với thuế VAT Ngày cập nhât: 13/04/2014

Doanh nghiệp thực phẩm kêu khổ với thuế VAT

Các điều khoản chồng chéo nhau về quy định, cơ quan thuế nơi bảo nộp, nơi lại không... khiến không ít doanh nghiệp ngành thực phẩm đang rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong việc xuất hoá đơn đỏ.

Nhiều doanh nghiệp chuyên nhập khẩu các loại thịt gà, heo, trâu, bò... đông lạnh còn tươi, cho biết đang bị vướng một số quy định trong Thông tư 219 của Bộ Tài chính mới áp dụng đầu năm nay về việc nộp thuế giá trị gia tăng (VAT).

Đại diện một công ty thực phẩm tại Bình Chánh chia sẻ từ 31/12/2013 trở về trước, công ty ông bán hàng và xuất hóa đơn cho tất cả các đối tượng khách hàng theo cùng một mức thuế suất 5%.

Tuy nhiên, theo Thông tư 219 của Bộ Tài chính mới ban hành và Công văn số 586 của Tổng Cục Thuế, công ty ông cảm thấy rối và lúng túng khôg biết phải xử lý thế nào.

donglanh2-2994-1397028844.jpg

Doanh nghiệp thực phẩm đang gặp khó trong việc xuất hoá đơn vì quy định bất nhất. Ảnh: PV

Thông tư 219, tại khoản 1, điều 4 quy định đối tượng không chịu thuế và khoản 7, điều 10 quy định đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất 5% nhưng lại có cách diễn đạt rất giống nhau về đối tượng chịu thuế.

Tương tự, tại khoản 5, điều 5 quy định các đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế và khoản 5 điều 10 quy định đối tượng chịu thuế với thuế suất 5% lại có cách diễn đạt vừa trùng lặp vừa loại trừ lẫn nhau về đối tượng nộp thuế.

"Với các quy định nêu trên, chúng tôi không biết mình đang thuộc đối tượng chịu thuế 5% hay là miễn trừ", ông nói.

Để có cơ sở cho việc thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư 219, công ty ông đã làm công văn gửi Chi cục Thuế Bình Chánh hướng dẫn và nhận được trả lời là thuộc đối tượng không nộp thuế ở khâu nhập khẩu, nhưng khi tiêu thụ trong nội địa phải chịu mức thuế suất 5% theo quy định tại khoản 7, điều 10, Thông tư 219.

Trong khi đó, công ty gửi phản ánh đến Cục thuế TP HCM thì lại nhận được phúc đáp là áp dụng khoản 5, điều 5, tức là đối tượng không phải kê khai tính nộp thuế khi phân phối tiêu thu nội địa. "Vậy cuối cùng là chúng tôi thuộc đối tượng nào?", ông thắc mắc.

Đại diện Công ty Hoàng Long Phát cũng cho biết đang trong tình huống "dở khóc dở cười" khi không biết mình phải thuộc đối tượng xuất hoá đơn 5% hay không.

Theo vị này, khi hỏi Chi cục Thuế Tân Phú, TP HCM thì họ bảo công ty ông không thuộc đối tượng chịu thuế suất 5%. Đến khi đơn vị ông phân phối sản phẩm cho các doanh nghiệp khác ở Đồng Nai, Bình Dương... thì đồng loạt các khách hàng cho biết Cục thuế tại đây cho rằng mặt hàng này chịu thuế, nên yêu cầu ông xuất hoá đơn với mức thuế 5%. "Nơi bảo xuất, nơi không. Vậy chúng tôi làm sao triển khai để sau này còn quyết toán, hoàn thuế", ông nói.

Ông cũng băn khoăn, trường hợp nếu các sản phẩm nêu trên thuộc diện không phải kê khai, nộp thuế VAT từ ngày 1/1/2014 nhưng doanh nghiệp đã lập hóa đơn, kê khai, tính thuế thì hướng giải quyết sẽ như thế nào, tức người bán và người mua phải điều chỉnh hóa đơn để không phải kê khai, tính nộp thuế như theo hướng dẫn tại khoản 5, điều 5 Thông tư 219 hay không. Trường hợp đã nộp thuế vào ngân sách rồi thì làm sao?

Ông cho rằng, lẽ ra luật là phải thông suốt cả nước, đằng này mỗi nơi yêu cầu một kiểu, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn suốt cả tháng qua khi không biết phải làm thế nào. "Xuất hoá đơn cũng không được mà không xuất hoá đơn cũng không xong. Chúng tôi và một số đơn vị đành phải tạm ngừng hoạt động, gây ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh", ông nói.

Hàng loạt các công ty khác trong ngành thực phẩm như Đồng Minh, DGM Việt Nam... cho biết cũng vướng phải khâu xuất hoá đơn đỏ kể trên.

Trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM vẫn khẳng định rằng, với các trường hợp nêu trên đều thuộc đối tượng không nộp thuế VAT 5%.

Theo bà Nga, trong trường hợp mặt hàng không thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế, nhưng doanh nghiệp đã tính với thuế suất 5% thì dù đã tính nhưng chưa nộp thuế hay đã tính và nộp thuế rồi đều xử lý giống nhau. Hai bên mua bán lập biên bản, bên bán lập hóa đơn điều chỉnh đối với hóa đơn đã xuất thuế suất 5%. Đối với trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế rồi thì coi như đó là phần thuế nộp thừa sẽ được xử lí cấn trừ vào quý tiếp theo hoặc sẽ được hoàn thuế.

Tuy nhiên, qua trao đổi, các doanh nghiệp cho rằng nếu giải quyết như cách của bà Nga nói thì cũng làm ảnh hưởng đến một phần vốn của doanh nghiệp do phải bị cấn trừ vào quý tiếp theo. "Chúng tôi thực sự mong Tổng Cục Thuế có Thông tư hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thuận tiện trong việc xuất hoá đơn, kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế, tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", một doanh nghiệp nói.

Lệ Chi